Leo rank trong Liên Quân chưa bao giờ là dễ. Mặc cho trình độ của bạn rất tốt, nhưng “núi cao còn có núi cao hơn”, có rất nhiều cao thủ Liên Quân đang ẩn mình dưới những bậc rank thấp để “farm gà”, nên việc cấm những con bài có khả năng gánh team cao là điều cần thiết để phong ấn sức mạnh của họ.

Bên cạnh những cao thủ ẩn thân là những game thủ có trình độ không cao lắm, nhưng họ lại rất thích chơi những vị tướng dễ bị bắt bài hay đòi hỏi kĩ năng cao. Chính vì vậy, việc cấm tướng hợp lý phần nào giúp tỉ lệ thắng của team bạn tăng lên rất nhiều!

Hôm nay, hãy cùng ONE Esports tìm hiểu những vị tướng bạn nên cấm nếu muốn lên rank trong Liên Quân nhé!

Zuka

Zuka là một trong những vị tướng được đánh giá là khó out meta nhất hiện nay. Với bộ chiêu thức vừa cơ động, vừa có buff giáp ảo tăng độ “trâu bò” lại còn mang đến lượng sát thương cực kì lớn nếu kết hợp với trang bị phù hợp, không quá khi cho rằng đây là vị tướng toàn diện bậc nhất hiện nay.

Những pha highlight của Zuka trong ĐTDV Mùa Đông 2022 không thiếu, nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là pha ulti phá nát hoàn toàn đội hình V Gaming của SGP Bâng. Dù hầu hết các vị tướng bị trúng chiêu vẫn còn một lượng máu khá lớn, song Trầm Trọng Lực kết hợp với 2 chiêu thức còn lại đã khiến cả 4 người bên phía V Gaming “bay màu” trong tích tắc.

Như vậy cũng đủ để thấy sức mạnh quá bá đạo của Zuka. Cho nên, nếu team bạn không có ai chơi hoặc không đủ tự tin để “đè đầu” gấu trúc thì hãy cấm ngay và luôn!

Arum & Aleister

Nếu bạn có thể pick được bộ đôi này trong rank thì quả thực bạn rất may mắn. Bởi hai vị tướng này luôn là những lựa chọn bị cấm đầu tiên. Lý do là bởi cả hai đều sở hữu bộ kĩ năng khống chế rất khó chịu.

Nếu Arum là khắc chế cứng của những vị tướng sát thủ cơ động, chuyên áp sát như Nakroth, Zuka, Quillen thì Aleister lại là vị tướng chuyên trị sát thương chủ lực của team địch. Nhưng xét cho cùng, Arum vẫn được ưu tiên cấm hơn, bởi cô vừa có sức chống chịu không kém Toro là bao, cùng với đó là bộ kĩ năng vô cùng khó chịu đã khiến Arum chẳng mấy khi xuất hiện trong rank.

Ngược lại, Aleister không đóng góp quá nhiều sát thương như những vị pháp sư khác trong Liên Quân, mà thiên về hỗ trợ đồng đội hơn. Trong khi Arum chỉ sở hữu 1 chiêu khống chế cứng mà lại còn ở tầm gần, thì Aleister là lựa chọn phù hợp nhất với 2 chiêu thức khống chế cứng ở tầm xa, tức là bạn hoàn toàn có thể nấp sau tanker mà vẫn có thể khóa chặt mục tiêu, thay vì phải áp sát như Arum.



Ngộ Không

Credit: Liên Quân Mobile

Là một trong những vị tướng có thể tiễn pháp sư, xạ thủ team bạn lên bảng điểm số nhanh nhất Liên Quân, Ngộ Không không thể không có mặt trong danh sách này. Khi có đủ đồ, khỉ chỉ cần mất 2-3 lần “gõ” là có thể cho “bay màu” những vị tướng máu giấy.

Không chỉ vậy, với bộ kĩ năng có thể tàng hình 2 lần, Ngộ Không luôn được xem như là một trong những sát thủ hàng đầu trong làng Liên Quân. Không những thế, việc thành thạo vị tướng này là không hề khó, cùng lắm là cần sự di chuyển, khả năng ra vào giao tranh hợp lý chút là bạn có thể biến trận đấu đó thành “6 phút GG”.

Valhein & Elsu

Credit: Liên Quân Mobile

Valhein và Elsu xứng đáng bị cấm không phải bởi vì đây là hai vị tướng có khả năng tạo đột biến rất cao, hay là những vị tướng gánh team cực mạnh, mà đôi khi chỉ đơn giản là… sợ đồng đội pick. Thật vậy, dù thật sự Valhein và Elsu rất mạnh, đặc biệt nếu rơi vào tay những cao thủ “one champ” (tức là thành thạo chỉ một vị tướng duy nhất) nhưng đấy chỉ là số ít trong Liên Quân.

Đến nay, phần lớn người chơi đều khá dè chừng đối với những ai hay pick hai con bài này, vì gánh team thì ít nhưng để team gánh thì nhiều. Nên nếu team bạn không ai có tỉ lệ thắng của 1 trong 2 vị tướng này cao ngút trời, thì tốt nhất là bạn cứ cấm đi cho chắc ăn!

XEM THÊM: Nhận định kết quả bốc thăm chia bảng APL 2022: V Gaming rộng cửa, Box Gaming ‘toát mồ hôi’