Trở lại sân chơi quốc tế sau 2 năm vắng bóng, với tư cách là đại diện của khu vực VCS, Saigon Buffalo đã không thể tạo nên kì tích khi phải dừng bước ở vòng hỗn chiến với thành tích 2 thắng – 8 thua.

Tuy nhiên, “bầy Trâu” đã chứng minh họ hoàn toàn không đến MSI chỉ với mục đích học hỏi kinh nghiệm. Việc bị đánh giá thấp do chỉ là đội hạng nhì tại VCS mùa xuân càng khiến màn trình diễn của họ trở nên ấn tượng hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Hãy cùng đi sâu hơn một chút vào cuộc hành trình của SGB tại MSI 2022.

“Underdog”

Đây là một từ tiếng Anh chỉ những người hoặc nhóm người bị đánh giá thấp, không có nhiều cơ hội chiến thắng trong một cuộc thi nào đó. Saigon Buffalo đích thực là một “Underdog”, thậm chí không phải đến vòng hỗn chiến, mà từ tận vòng bảng. Các chuyên gia phương Tây có quá ít thông tin về đội tuyển này, ngoại trừ việc họ có độ tuổi trung bình các thành viên thấp nhất giải (18,8), toàn bộ đội hình chính chưa từng tham dự một giải quốc tế nào, và họ bị hủy diệt bởi GAM Esports trong trận chung kết VCS mùa xuân.

Saigon Buffalo
Credit: LoL Esports

Xếp chung bảng với T1, Detonation FocusMe (LJL) và Team Aze (LLA), SGB được dự đoán sẽ cạnh tranh tấm vé thứ hai với đại diện Nhật Bản, nhưng cơ hội của họ thấp hơn. Dựa vào một kỳ CKTG 2021 tuyệt vời, các chuyên gia đã đánh giá DFM cao hơn “bầy Trâu”, bất chấp việc họ chưa từng thắng được các đội VCS trong quá khứ, cũng như vừa mất trụ cột đường giữa là Aria.

Kết quả như thế nào thì chúng ta đều đã biết. Không chỉ thắng thuyết phục, SGB còn khiến tất cả phải phấn khích tột độ trước lối chơi hoang dã, cuồng nhiệt và đầy mạnh mẽ đậm chất VCS. Các chuyên gia phải gật gù: “Đây rồi, đây mới chính là VCS mà chúng ta yêu thích!”. Họ ngay lập tức thay đổi góc nhìn của mình về “bầy Trâu”, đặt họ ngang hàng với Evil Genius và PSG Talon cho một tấm vé lọt vào bán kết.

Và rồi, chúng ta thấy một SGB không còn là chính mình. Dù đối thủ của họ mạnh hơn hẳn vòng bảng, nhưng thực lực của các chàng trai áo đỏ đen rõ ràng không hề yếu, và họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn như thế rất nhiều.

Những thất bại đáng tiếc, những sai lầm cá nhân không đáng có, những màn cấm chọn tự làm khó mình. SGB trải qua 2 ngày thi đấu đầu tiên mà không có được một chiến thắng nào. Cơ hội lọt vào top 4 xa dần qua từng trận, áp lực từ cộng đồng ngày một lớn.

Credit: SGB

Thế rồi, mọi chuyện dần thay đổi. Ngày 3, SGB vẫn thua cả hai trận, nhưng ai cũng có thể thấy các chàng trai đang đánh tốt hơn. Những sự thay đổi về cấm chọn cũng xuất hiện, tạo điều kiện cho “bầy Trâu” chơi đúng sở trường hơn. Và chuyện gì đến cũng phải đến, sau một ván đấu đáng tiếc nữa trước RNG, cuối cùng SGB đã “nổ hũ” thành công bằng màn trả thù ngọt ngào với PSG Talon. Tiếp đà hưng phấn, họ giành thêm một điểm nữa khi hạ gục “người anh em” G2, kết thúc hành trình với thành tích 2-8. Vẫn có thể tốt hơn, nhưng về cơ bản thì không quá tệ.

Điều quan trọng là, SGB cho thấy họ có thể làm được gì khi áp lực bị gạt sang một bên. Đó vẫn là 5 thanh niên tuổi mười tám đôi mươi, còn quá trẻ để gánh trên vai trọng trách quá nặng về thành tích. Bằng chứng là trong bối cảnh không còn cơ hội vào top 4, không còn những kỳ vọng, hay khi đã quay về là một “underdog”, SGB mới trở lại là chính mình. Có lẽ những chàng trai trẻ hợp với danh xưng này, bởi khi bị coi là kẻ chiếu dưới, họ nhận được một nguồn động lực chứng tỏ bản thân vô cùng to lớn, đồng thời áp lực hay gánh nặng dường như không tồn tại, chỉ còn một khoảng trời rộng lớn để cả năm người cùng tung cánh bay lên thật cao mà thôi.



“Được” nhiều hơn “mất”

Thực ra, thứ duy nhất mà SGB đánh mất ở kỳ MSI lần này chỉ là cơ hội lọt vào top 4 và làm nên kỳ tích cho VCS, bởi sự thực là nếu họ tỉnh táo hơn trong những trận đấu với PSG hay RNG, cửa bước vào bán kết sẽ rất sáng, với những gì đã diễn ra ở vòng hỗn chiến. Tuy nhiên, điều đó chẳng thấm tháp gì so với những thứ họ nhận được.

Credit: LoL Esports

Đầu tiên, SGB có được cái mà họ thiếu trước khi đến Busan: Kinh nghiệm, hay nói chính xác hơn là kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Chúng ta đã thấy T1 khó khăn như thế nào khi thiếu điều này, dù thực ra chỉ có Zeus là lần đầu. Bước ra thế giới, đối đầu với những đội tuyển mạnh ở khắp các khu vực, với những phong cách chơi riêng biệt và không giống nhau, chắc chắn là trải nghiệm đáng quý không dễ gì có được.

Bản lĩnh là cái thứ hai, dù chỉ một giải đấu là không đủ. Luyện tập và thi đấu tại gaming house khác rất nhiều so với trên sân khấu, đặc biệt là sân khấu có khán giả. MSI 2022 mới là lần thứ hai ngồi trước khán phòng của BeanJ và Taki, thậm chí là lần đầu tiên với Shogun. Áp lực và sự căng thẳng là không thể tránh khỏi, nhưng bản lĩnh là thứ có thể trau dồi. Nếu như VCS mùa hè 2022 có khán giả, và nếu đến được CKTG 2022, SGB chắc chắn sẽ “cứng” hơn rất nhiều.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất: cơ hội để thắng các khu vực lớn, trong đó nắm vững về meta là yếu tố cốt lõi. Dù Ren đã chuẩn bị sẵn rất nhiều quân bài lạ, gây bất ngờ cho đối thủ (Vayne đường trên, Vladimir đường dưới, Kalista đường giữa…), nhưng ai cũng nhìn thấy SGB đánh tốt nhất khi họ được chơi theo cách họ giỏi nhất: ép giao tranh chủ động, liên tục và dồn dập. Đây chính xác là thứ mà các chuyên gia phương Tây gọi với cụm từ “bản sắc VCS”, chứ không phải những lựa chọn dị.

Credit: LoL Esports

Lối chơi này cũng chính là lí do VCS có tỉ lệ giành chiến thắng trước các khu vực lớn cao nhất trong số các khu vực nhỏ. Đơn giản vì các khu vực lớn không đánh giao tranh “điên rồ” như chúng ta, nên họ không quen với điều đó. Với những tướng như Nautilus, Galio, Nocturne, Camille… SGB buộc đối phương phải bị cuốn vào vòng xoáy giao tranh bất tận. Cách đánh này tiềm ẩn rủi ro rất lớn, nhưng chắc chắn mang đến tỉ lệ thắng cao hơn so với việc chọn những tướng giao tranh yếu kiểu Twisted Fate và chơi đọ macro với T1 hay G2.

Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này trong các trận đấu của SGB ở vòng hỗn chiến. Kể từ ngày thứ 4, họ chỉ chơi những tướng meta, mạnh từ đầu tới cuối, có khả năng mở và đánh giao tranh tốt, kết quả ngay lập tức tốt hơn, so với những Veigar, Vladimir hay Volibear của 3 ngày đầu tiên. Đây cũng chính là điều các đội VCS nên học tập ở những giải đấu quốc tế tiếp theo. Bởi cho dù là meta nào đi chăng nữa, những vị tướng chủ động như vậy bao giờ cũng có chỗ đứng. Hãy cứ chơi như cách mọi khi chúng ta chơi, đừng run sợ và để mất bản sắc, rồi sẽ đến một ngày VCS ghi tên mình lên hàng ngũ những khu vực mạnh nhất thế giới.

MSI 2022 đã qua đi. Saigon Buffalo đã học hỏi được rất nhiều điều, và giờ là lúc họ trở về để chuẩn bị cho VCS mùa hè. Chắc chắn sẽ là một mùa giải đầy cam go, nhưng với sức mạnh hiện tại, chiếc vé tham dự CKTG hoàn toàn nằm trong tầm tay. Và ở đó, năm chàng trai trẻ sẽ sẵn sàng tạo nên những điều tuyệt vời.

XEM THÊM: EG Impact ‘quẩy’ nát sân khấu MSI 2022 trong ngày cuối cùng của vòng Hỗn Chiến với Gangplank