Mid-Season Invitational 2022 (MSI) sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 10/05 tới. Các đội tuyển thành công giành vé tới Busan đã lần lượt có mặt để chuẩn bị cho giải đấu sắp tới. Tuy nhiên, năm nay, do những chính sách nghiêm ngặt từ Chính Phủ Trung Quốc, RNG không thể có mặt tại MSI 2022. Những tưởng khu vực LPL sẽ lần đầu tiên vắng mặt tại giải đấu danh giá này thì Riot Games đã đưa ra thông báo, RNG sẽ thi đấu MSI 2022 bằng hình thức online tại nhà thi đấu Thượng Hải hoặc gaming house (tùy vào tình hình lúc bấy giờ).

Dẫu vậy, để RNG có thể thi đấu online cũng như tạo dựng tính minh bạch trong khâu tổ chức giải đấu, Riot Games sẽ sử dụng các công cụ cần thiết để duy trì ping ở mức 35ms – tương đương mức ping khi thi đấu offline, cho tất cả các trận đấu tại MSI và các trận đấu tập của các đội tại đây. 

MSI 2022
Credit: LPL

Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn và một vài tuyển thủ, mức ping 35ms sẽ gây ảnh hưởng và sẽ trở thành bất lợi lớn của T1. Người chơi ở Hàn Quốc luyện tập trên máy chủ KR với ping 8-11ms, tùy thuộc vào vị trí ở Hàn Quốc. Người chơi chuyên nghiệp Hàn Quốc thường sẽ thi đấu ở mức ping 5-8ms.

Trong khi đó, phần lớn các tuyển thủ chuyên nghiệp của LPL đều chơi xếp hạng đơn ở máy chủ Hàn Quốc để luyện tập và họ đã quá quen thuộc với mức ping 35ms, thậm chí cao hơn. Người đi đường trên của Fredit BRION – Morgan, người có kinh nghiệm thi đấu tại LPL và luyện tập từ Trung Quốc, đã nói về lý do tại sao tuyển thủ chuyên nghiệp Trung Quốc lại chơi ở máy chủ Hàn như sau:

“Mặc dù có máy chủ Trung Quốc, nhưng các tuyển thủ LPL cho rằng chất lượng tổng thể của máy chủ Hàn Quốc cao hơn rất nhiều, vì vậy họ thích chơi ở máy chủ Hàn hơn. Ngay cả khi có ping cao, họ vẫn thích chơi trên máy chủ Hàn. Mình chưa từng chơi ở máy chủ Trung Quốc, nhưng bản thân nghĩ rằng có quá nhiều thứ khiến nó không phù hợp để luyện tập”.

Trong khi đó, trong một buổi stream, Xạ thủ trẻ T1 Gumayusi đã chia sẻ về mức ping 35ms tại MSI 2022 khi được người hâm mộ đặt câu hỏi. “Sự khác biệt về chất lượng đường truyền chắc chắn là đáng chú ý và theo như mình biết, anh Faker đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi về đường truyền.” – Gumayusi nói trên stream.

“Bạn có thể thực sự cảm nhận được sự khác biệt so với 35 ms? Mình chỉ là một chàng trai bình thường, vì vậy mình thực sự không thể tự nhận ra sự khác biệt.” – Gumayusi nói thêm. (Credit: Inven Global)


Chắc chắn những tuyển thủ Hàn hay người hâm mộ cũng sẽ đặt câu hỏi về mức ping 35ms này. Và trong trường hợp tồi tệ nhất, mức ping thay đổi có thể khiến ảnh hưởng lớn tới kết quả trận đấu. Được biết, người chơi chuyên nghiệp Hàn Quốc không bao giờ luyện tập với ping cao hơn 8-11 ms. Điều này đồng nghĩa với việc, họ đã quen với những cơ chế, sự nhạy bén nhất định từ đường truyền 8ms. Trong khoảng thời gian hơn 10 ngày cách ly và luyện tập, liệu T1 có kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột này hay không?

Credit: LCK

Dẫu vậy, người hâm mộ cũng đã đặt ra nghi vấn rằng, liệu Riot có quá ưu ái cho khu vực LPL? Đó cũng chính bởi tại MSI 2021 trước đó, Riot Games cũng đã gây tranh cãi về vấn đề thay đổi lịch trình thi đấu khi đột ngột xếp cho RNG một lịch thi đấu thoải mái hơn vì lí do “do xung đột lịch trình di chuyển về nước”. Điều này đã khiến người hâm mộ LMHT Hàn Quốc vô cùng bức xúc và đòi công bằng cho DK.

Hay như việc VCS “buộc” phải vắng mặt trên đấu trường quốc tế hơn 2 năm do những vấn đề di chuyển vì đại dịch. Câu chuyện LPL được thi đấu online còn VCS thì không đã khiến cộng đồng có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, nếu so về khoảng cách địa lý thì Việt Nam không đủ gần để đảm bảo tốc độ đường truyền như Trung Quốc. Hay về cơ sở vật chất, Việt Nam của thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng.

Những nỗ lực trên của Riot Games chủ yếu là để đảm bảo chất lượng chuyên môn cho giải đấu giữa mùa này. Chính bởi kể từ MSI 2019 hay CKTG 2012 cho tới này, hai khu vực Hàn Quốc và Trung Quốc đã là 2 “ông kẹ” thống trị tuyệt đối trên trường quốc tế. Nếu thiếu vắng một trong hai cái tên đến từ LCK hay LPL thì có lẽ giải đấu sẽ diễn biến theo hướng 1 chiều và không thể đảm bảo được chất lượng chuyên môn.

MSI 2022 sẽ khởi tranh vào ngày 10/5 tới đây tại Busan, Hàn Quốc. Mọi thông tin chi tiết về MSI 2022 được xem chi tiết tại đây. Ngoài ra, người hâm mộ cũng có thể điểm qua các đội tuyển tham dự MSI 2022 tại đây. Người hâm mộ cũng có thể theo dõi tin tức trên trang Twitter chính thức của Riot Games.

XEM THÊM: LMHT: Câu chuyện DNS Gaming bị loại khỏi VCSB và sự phát triển của giải đấu VCS