Mức lương mà các tuyển thủ LMHT sẽ nhận được là một trong những chủ đề hot được người hâm mộ quan tâm. Tuy nhiên, rất hiếm khi giá trị hợp đồng về mức lương các tuyển thủ được công khai minh bạch, câu chuyện chuyển nhượng hay mức lương deal cũng chưa từng được tiết lộ.

Đây cũng là một trong những lí do các tuyển thủ hot trong mùa chuyển nhượng có thể nâng giá cao ngất ngưởng. Mức tiền lương giữa các tuyển thủ tier S và các tuyển thủ nhóm dưới có sự chênh lệnh “trên trời”.

Khu vực LPL là khu vực đầu tiên áp dụng mức giới hạn lương. Sở dĩ LMHT Trung Quốc siết chặt mức lương phần lớn là do khu vực này đã có nhiều cáo buộc và cuộc điều tra về dàn xếp tỷ số.

Credit: LPL

Theo nhiều nguồn tin từ báo chí Hàn Quốc, LCK cùng 10 đội tuyển cũng đã thảo luận liên tục và đi đến thỏa thuận thực hiện giới hạn tiền lương cho các tuyển thủ trong khu vực. Quyết định này được đưa ra là do nỗ lực chủ động của các đội. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về cách thức và thời điểm giới hạn lương sẽ được triển khai chưa được xác định.

Ý tưởng của mức giới hạn quỹ lương này xuất hiện sau khi các đội LCK thúc đẩy mức lương tối đa. Và ý tưởng giới hạn lương này bị T1 phản đối kịch liệt, khi họ đang sở hữu cái tên vô giá Faker. Thương hiệu Faker cùng T1 đã gắn liền với nhau trong suốt chặng đường 10 năm phát triển. Quỷ Vương không những có đóng góp về mặt thành tích mà còn là đóng góp về mặt thương hiệu, vì vậy việc hạn chế mức lương và quyền hạn sẽ ảnh hưởng lớn tới đôi bên.

LCK
T1 không đồng ý mức giới hạn tiền lương tại LCK (Credit: LCK)

Vào thời điểm ý tưởng về quỹ giới hạn lương xuất hiện vẫn chưa có cuộc thảo luận cụ thể nào. Trước đây, để hạn chế tình trạng “chảy máu” nhân lực, khu vực LCK không hề giới hạn mức tiền lương. Tuy nhiên ở mùa giải 2023, mức lương các tuyển thủ bị “độn giá” lên “trên trời”. Ý kiến của các BLĐ chuyển sang hướng cần một giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm phát tiền lương quá mức.



Mặc dù vấn đề chi tiêu quá mức có thể không chỉ giới hạn ở tiền lương của tuyển thủ nhưng gần như mọi tổ chức đều hoạt động trong tình trạng thua lỗ hàng năm. Thời gian vừa qua, một số tổ chức đã trực tiếp bày tỏ tình trạng khó khăn của thị trường thể thao điện tử: thị trường đóng băng, khó khăn tài chính, v.v…

Ngay cả T1 – một trong những tổ chức giàu có và nổi tiếng hàng đầu thế giới, cũng đã báo lỗ trong báo cáo tài chính gần đây của mình. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022 của SK Telecom, T1 ghi nhận khoản lỗ hoạt động khoảng 166 tỷ KRW (hơn 3 nghìn tỷ VNĐ). Mặc dù khoản lỗ đã giảm so với mức 211 tỷ KRW (hơn 4 nghìn tỷ VNĐ) của năm trước, nhưng đây vẫn là một con số âm đáng kể.

T1 từng thua lỗ nặng (Credit: LCK)

Một cơ quan có thẩm quyền đã đề cập đến khả năng phải tiết lộ công khai mức lương của các tuyển thủ. Bởi các giải đấu chuyên nghiệp tại Hàn Quốc có giới hạn lương cũng tiết lộ công khai mức lương của các vận động viên, nhằm tăng tính minh bạch.

Trò chuyện cùng trang Inven, LCK đã cho biết rằng họ đã thảo luận về các lựa chọn khác nhau với các đội của mình theo thời gian để đảm bảo sự phát triển bền vững của LCK, nhưng vẫn chưa thể xác nhận về cách thức và thời điểm giới hạn lương.

MSI 2023 sẽ khởi tranh vào ngày 2 tháng 5 tới đây. Mọi thông tin chi tiết sẽ được ONE Esports cập nhật liên tục tới người hâm mộ. Ngoài ra, người hâm mộ có thể theo dõi thông tin trực tiếp trên LoL Esports hay Twitter chính thức của LMHT.

XEM THÊM: LMHT: Chính thức ấn định thời gian tổ chức CKTG 2023 tại Hàn Quốc