Như vậy, vòng Hỗn Chiến MSI 2022 đã chính thức khép lại với 4 cái tên đi tiếp là RNG, T1, G2 và EG. Điều này đồng nghĩa với việc các chàng trai Saigon Buffalo của chúng ta cũng chính thức khép lại cuộc hành trình MSI tại đây. Dẫu chỉ thành công tiến vào Top 6 như cách tiền thần Phong Vũ Buffalo đã làm cách đây 3 năm, nhưng cuộc hành trình đáng tự hào này không chỉ mang tới sự cọ xát, kinh nghiệm cho Bầy Trâu mà còn là lời khẳng định vị thế của khu vực VCS trên đấu trường quốc tế.

SGB tại MSI 2022
SGB và cuộc hành trình đầy tự hào tại MSI 2022 (Credit: Riot Games)

Không tính MSI 2022, lần gần nhất khu vực VCS có mặt trên trường quốc tế là vào năm 2019. Thời điểm đó, khu vực VCS nói riêng và thể thao điện tử Việt Nam nói chung đang từng bước có được đà phát triển ổn định sau hàng loạt sự kiện Esports quốc tế “ghé thăm”. Những tưởng khoảng thời gian bùng nổ 2019 sẽ là bước đà quan trọng cho sự phát triển dài hơi của LMHT, Esports tại Việt Nam.

Nhưng không, kể từ thời điểm 2020, các đội tuyển LMHT Việt Nam đều không thể góp mặt ở bất cứ giải đấu quốc tế nào. Những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho bước đã phát triển của LMHT nói riêng và thể thao điện tử nói chung đã tụt lùi đi rất nhiều năm so với các khu vực khác.

VCS đã vắng bóng khỏi các giải đấu quốc tế lớn – nhỏ của Riot Games trong suốt 2 năm (Credit: PSG Talon)

Dẫu vậy năm 2022, chúng ta đã đưa Saigon Buffalo tới được MSI tại Busan, Hàn Quốc. Không còn quá nhiều quy định khắt khe về visa hay khó khăn trong vấn đề di chuyển, dịch bệnh, khu vực VCS đã thành công trở lại đấu trường quốc tế sau 2 năm vắng bóng hoàn toàn.



Đã hai năm trời, đấu trường quốc tế không có sự góp mặt của các đại diện VCS, khu vực của chúng ta bị đánh giá là một khu vực yếu ớt, kém phát triển, khó lòng có nổi một chiến thắng… Tuy nhiên, Ngài Ren cùng Bầy Trâu nhỏ đã mang đến những gia vị đặc sản của khu vực, trở lại với tâm thế tự tin và trở thành một tia chớp sáng lòa rạch phá bầu trời MSI ảm đạm.

Credit: Riot Games

Khởi động MSI bằng trận đấu với đối thủ khó – T1, các chàng trai SGB không những không hề tỏ ra lép vế mà thi đấu sòng phẳng và vươn lên dẫn trước ở khoảng thời gian đầu trận. Họ cũng thành công vượt qua vòng bảng MSI một cách dễ dàng với thành tích toàn thắng trước 2 đối thủ DFM và AZE. Tiến vào vòng Hỗn Chiến, họ chỉ có được 2 trận thắng trước PSG và G2 nhưng lại để lại một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trước các “ông lớn” tới từ LCK, LPL.

Thậm chí, SGB còn suýt chút nữa có được thắng lợi trước RNG vào ngày 23/5 và khiến đội tuyển này phải thẳng thắn thừa nhận: “Cả đội đã có đôi chút choáng ngợp trước lối chơi của SGB. Họ đã tiến bộ rất nhanh ở giải đấu lần này”. Dẫu vậy, SGB lại là một cái tên còn quá non trẻ, thiếu kinh nghiệm và khả năng macro kém. Vậy nên, việc họ dừng chân tại top 6 cùng 2 chiến thắng cũng là điều rất đáng hoan ngênh.

Quan trọng hơn cả, màn trình diễn tự tin của đội hạt giống số 2 khu vực VCS – Saigon Buffalo khiến cộng đồng quốc tế phải đặt câu hỏi, thậm chí dè chừng sức mạnh của GAM Esports – đội đang giữ vững vị trí top đầu tại Việt Nam. Còn nhớ, SGB.BeanJ đã từng nói trước khi bước vào vòng Hỗn Chiến như sau:

“Mặc dù chỉ là đội hạt giống số 2 nhưng chúng tôi đã ghi tên thành công trong BXH Top 6 ở kỳ MSI lần này. Mọi người hãy đón chờ những bất ngờ của VCS khi đến CKTG. Thế giới nên cẩn thận với GAM! Chiến thắng của SGB thật sự đã khiến cho những nhà phê bình, giới chuyên môn phải câm lặng sau khi nghi ngờ khả năng của chúng tôi chỉ vì SGB là đội vừa về nhì tại VCS”. – lời khẳng định chắc nịch từ BeanJ.

Quả thực, ở thời điểm hiện tại, nếu GAM là người anh cả giàu truyền thống, thành tích và kinh nghiệm thì Bầy Trâu chính là lứa tuyển thủ trẻ, nhiệt huyết và đầy tiềm năng. Nhìn vào 2 đội tuyển này, chúng ta có thể thấy rõ tình hình của khu vực VCS – sở hữu cả lớp tuyển thủ lão làng đến những cái tên đầy tiềm năng. Điều VCS cần phải làm đó là phải nâng tầm giải đấu quốc nội và giúp các team cân bằng được chất lượng tuyển thủ.

Hơn thế nữa, sự thành công đưa VCS trở lại trường quốc tế của SGB cùng HCV SEA Games 31 của GAM đã trở thành “liều thuốc dẫn” chất lượng cho sự bứt phá của LMHT tại Việt Nam. Đúng vậy, chúng ta không chỉ cần những cơ hội cọ xát mà chúng ta cần khẳng định vị thế, cần “mở cửa” cho những tiềm năng, cơ hội phát triển… VCS cũng cần có sực bài bản, chuyên nghiệp cùng sự đầu tư đúng đắn và hệ thống giải đấu quốc nội được nâng tầm…

ONE Esports tin rằng, sự thành công của nửa đầu mùa giải 2022 này sẽ là một cú hích chất lượng cho những bước tiến sau này của LMHT nói riêng và Esports nói chung tại Việt Nam.

XEM THÊM: MSI 2022: Danh sách đội tuyển góp mặt tại vòng Loại trực tiếp