Thêm một lần nữa, G2 Esports sẽ đối đầu với một đại diện của Hàn Quốc ở vòng tứ kết của CKTG. Nhưng khác với mùa giải năm ngoái, đội tuyển của LEC sẽ gặp hạt giống số 3 Gen.G Esports. Sau những gì Suning Gaming và Fnatic thể hiện trước JD Gaming và Top Esports, màn thư hùng vào ngày 18/10 này hứa hẹn sẽ vô cùng khó đoán. 

Gen.G: Khi Ruler không còn là tâm điểm

Đoàn quân của HLV oDin dẫn đầu bảng C, bảng đấu được đánh giá là tử thần ở CKTG 2020 này. Mặc dù vậy, phong độ của đội tuyển Hàn Quốc lại cực kỳ  thuyết phục. Tuy GEN từng để thất bại trước Fnatic, thế nhưng hạt giống số 3 của LCK vẫn cho thấy sự trên cơ so với những LGD hay Team SoloMid.

Giống như đa số các đội đến từ xứ sở Kim Chi khác, GEN vẫn duy trì phong cách đánh kiểm soát, sau đó chờ đợi cơ hội trừng phạt sai lầm của đối thủ. Ngoài ra, Ruler và các đồng đội cũng thể hiện khả năng giao tranh tổng khá ấn tượng. Thế nhưng, điểm mạnh nhất của GEN ở mùa giải năm nay có lẽ là sự đa dạng về tướng.



Theo các thống kê, mỗi thành viên của Gen.G Esports đều mang ra sử dụng ít nhất 3 vị tướng trở lên. Hỗ trợ Life là người chịu khó “đổi mới” nhất với việc mang ra 5 con bài bao gồm Sett, Tahm Kench, Karma, Rakan và thậm chí là cả Taric – vị tướng tưởng chừng như không nằm trong meta của CKTG 2020.

GEN là đội tuyển tương đối khó lường. (Credit: Riot Games)

Ngoài một Ruler giàu kinh nghiệm và từng bước lên ngôi vương, GEN vẫn còn đó những ngòi nổ đáng chú ý khác. Có thể kể đến trường hợp của Clid – người đang rất muốn khẳng định bản thân sau những màn trình diễn đáng thất vọng trong màu áo T1. Ở vòng bảng, anh đóng góp 18.3% nguồn sát thương cho đội nhà, con số không quá lớn nhưng vẫn ở mức tròn vai.

Bên cạnh đó, BDD sẽ là cái tên mà G2 Esports phải đặc biệt lưu tâm. Cựu sao KingZone DragonX đang thể hiện độ biến ảo trong lối chơi, từ các con bài sát thương vật lý như Lucian, pháp sư Orianna hay chống chịu với Sett. Đây hứa hẹn sẽ là màn đối đầu thú vị giữa tuyển thủ sinh năm 1999 và Caps.

G2 Esports: Chờ đẳng cấp của lá cờ đầu LEC

Với việc Fnatic để cho Top Esports lội ngược dòng, châu Âu chỉ còn duy nhất một cái tên đó chính là G2 Esports. Đây không phải là kết quả quá bất ngờ, bởi Jankos và các đồng đội là niềm hy vọng số một của LEC. Tuy chỉ đứng thứ 2 ở bảng A sau thất bại trước Suning Gaming ở trận Tie-break, tuy nhiên G2 vẫn là cái tên không thể bị xem thường.

Nhiều CĐV tin rằng, đoàn quân của HLV GrabbZ chưa bung hết sức ở giai đoạn vòng bảng. Nếu nhìn vào những gì G2 Esports thể hiện, fan hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra. “Tấu hài” ở giai đoạn lượt đi, thế nhưng “Samurai châu Âu” đã bung sức ở lượt về với những trận đấu dễ dàng trước Machi Esports hay Team Liquid.

Đã đến lúc G2 bung sức? (Credit: Riot Games)

Như thường lệ, Caps vẫn là nhân tố chủ chốt trong cách vận hành của G2. Cựu sao Fnatic đã sử dụng tới 6 vị tướng khác nhau, bao gồm Ekko, Syndra, Galio, Lucian, Jayce và Twisted Fate. Nguồn sát thương ngôi sao người Đan Mạch đóng góp cho đội nhà là 25.8%, cao hơn những Perkz hay Jankos.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến một nhân tố khác chính là Mikyx. Sự lạnh lùng, điềm tĩnh của tuyển thủ người Slovenia khiến cho không ít người phải “sởn da gà”. Thế mạnh của anh là những tình huống kêu gọi giao tranh, cùng với đó là những pha di chuyển hợp lý để hỗ trợ cho các khu vực đường khác.

Đó là lý do vì sao Mikyx thường sử dụng những vị tướng mang thiên hướng mở giao tranh mạnh mẽ như Alistar, Leona hay thậm chí là Sett. Đây là lúc G2 Esports cần phải cho thấy bản lĩnh và sự lạnh lùng giống như Mikyx đã làm. Và đừng quên rằng, ở CKTG 2019, G2 đã lần lượt đánh bại 2 đội tuyển Hàn Quốc là DAMWON Gaming cùng SKT để bước vào trận chung kết.

XEM THÊM: [CKTG 2020] Vượt điểm tầm nhìn so với Kanavi, ngôi sao của Cloud9 gọi SofM là ‘vua’