Thể thức của Mid-Season Invitational trong hai năm trở lại đây, với việc thay vòng khởi động vốn chỉ dành cho các khu vực Wildcards bằng vòng bảng với sự góp mặt của cả những khu vực lớn, đang dần cho thấy những hạn chế của nó. Nhìn về mặt tích cực, thể thức này tạo ra thêm nhiều cơ hội hơn để các đội tuyển bị đánh giá thấp có thể gây bất ngờ, mà ví dụ tiêu biểu nhất là Pentanet.gg ở MSI 2021. Tuy nhiên, vô hình chung vòng bảng phần lớn sẽ là những trận đấu có phần tẻ nhạt, khi các đội LCK, LPL hay LEC hủy diệt phần còn lại.

MSI 2022 cũng không phải ngoại lệ. T1, RNG và G2 đều kết thúc vòng bảng với thành tích toàn thắng và hầu hết là những màn “đồ sát” đối thủ không thương tiếc. Cộng thêm liên tiếp những tranh cãi về vấn đề đường truyền, giải đấu gần như đã trở thành một mớ hỗn độn và chẳng còn ai bàn đến tính chuyên môn hay sự hấp dẫn của nó nữa. Trong bối cảnh đó, Saigon Buffalo giống như một tia sáng le lói xuất hiện giữa bầu trời đêm ảm đạm.

Đã hai năm trời, đấu trường quốc tế vắng bóng các đại diện VCS, và vì thế cũng thiếu đi gia vị đặc sản của khu vực – những giao tranh không ngừng nghỉ. Năm nay, SGB đã trở lại và mang thứ đặc sản ấy đến Busan để thiết đãi cả thế giới.

Minh chứng cho phong cách chơi nhanh, mạnh và dồn dập của SGB không gì khác ngoài số liệu. Họ đứng nhất ở trung bình điểm hạ gục (tính của cả hai đội) mỗi phút (1.28), tỉ lệ kiểm soát con rồng đầu tiên (83%), trung bình rồng giết được phút 15 (1.33). Ngoài ra họ còn xếp thứ hai ở tỉ lệ phá trụ đầu tiên (83%). Các chàng trai áo đỏ đen không chỉ tấn công quyết liệt, họ còn sẵn sàng kiểm soát mục tiêu và không ngần ngại tranh chấp khi cần.

saigon buffalo, taki
Credit: LoL Esports

Các đội tuyển trên thế giới, cho dù có sự khác biệt đáng kể trong cách họ chơi, vẫn có một vài điểm chung nhất định. Đó là hạn chế tối đa những tình huống giao tranh khi không có mục tiêu lớn nào trên bản đồ, hoặc khi không có đủ phép bổ trợ cần thiết. Nhưng VCS là một ngoại lệ. Cho dù là SGB, GAM, PVB hay EVOS, họ vẫn luôn tìm cơ hội để ép đối phương phải bước ra khỏi vùng an toàn. Lối chơi này có thể là con dao hai lưỡi, nhưng khi buộc đối thủ phải chơi một trò chơi may rủi mà họ không quen, con dao ấy vẫn có phần chuôi nằm về phía VCS nhiều hơn. Đó là một trong những lí do lớn nhất cho việc các đội Việt Nam hiện đang sở hữu số ván thắng những khu vực lớn (LCK, LPL, LEC, LCS) nhiều nhất trong số các đội Wildcards.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này ngay ở trận khai mạc của giải, khi Shogun và Taki hủy diệt cặp đôi đường dưới được đánh giá là số một thế giới. Khỏi phải nói Gumayusi và Keria đã giật mình như thế nào khi một con Alistar cấp độ 1 xuất hiện từ trong bụi, Tốc Biến lên dùng Nghiền Nát mà không có một chút do dự nào. Ở LCK chẳng ai chơi điên cuồng đến mức đó cả. Sự chủ quan là có, nhưng không lớn bằng sự bất ngờ.



Dù kết quả của trận đấu với T1 nói riêng, hay thành tích của VCS tại các giải quốc tế nói riêng chưa thực sự đạt kỳ vọng, SGB và các đội Việt Nam đều để lại những ấn tượng khó phai. Trong mắt cộng đồng nước ngoài, VCS là một khu vực vô cùng thú vị, đáng xem. Phong cách chơi của họ đậm chất giải trí và cũng đầy mê hoặc, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình nếu không muốn bỏ lỡ bất cứ tình huống giao tranh nào. Người ta hâm mộ LCK, LPL, LEC vì sức mạnh, vì danh hiệu, nhưng hâm mộ VCS vì sự điên rồ, cuồng nhiệt và khó đoán.

Trước khi MSI 2022 khởi tranh, truyền thông quốc tế cũng như người hâm mộ nước ngoài đều cảm thấy khó hiểu với sự xuất hiện của Saigon Buffalo. Một giải đấu hội tụ những nhà vô địch khu vực, vậy mà lại có một đội tuyển hạng hai góp mặt. Hơn nữa đội tuyển đó còn đến từ một nơi đã không có bất cứ đại diện nào tham dự giải quốc tế trong suốt hai năm. Bất chấp những thành tích mà VCS có được trong quá khứ, thực lực của SGB vẫn bị đặt một dấu hỏi lớn.

Credit: VCS

Dù vậy, phải nói rằng những đánh giá nhắm vào “bầy Trâu” là hoàn toàn thiếu cơ sở. Nên nhớ kể từ năm 2017, trong 3 năm tiếp theo thành tích đối đầu với Wildcards luôn nghiêng về VCS. GAM, EVOS hay PVB đều từng giành chiến thắng trước những khu vực lớn. Thậm chí cả hạt giống số hai như Lowkey Esports còn có thể đả bại Damwon Gaming, vậy mà có những người còn cho rằng SGB là đội yếu nhất bảng A, thậm chí yếu hơn Team Aze, và tấm vé vào top 6 MSI năm nay nằm chắc trong tay Detonation FocusMe.

Xem những bài viết “đánh giá sức mạnh” các đội tham dự MSI 2022 của những người được gọi là “chuyên gia”, “phân tích viên” nước ngoài, chắc hẳn người hâm mộ VCS phải cảm thấy vừa nực cười, vừa tức giận. Dù biết rằng có lí do cho những đánh giá ấy, nhưng nó quá thiếu dữ kiện và đầy lỗ hổng. DFM từng thắng VCS khi nào? Các đội Mỹ Latin thắng VCS ở đâu? Rồi cả Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil…, mạnh hơn chúng ta ở vũ trụ nào? Để rồi giờ đây, khi các chàng trai áo đỏ đen đã vượt qua vòng bảng một cách đầy thuyết phục, không biết những “đánh giá viên” kia sẽ nói gì?

Giống như BeanJ đã trả lời phỏng vấn: “Dù chúng tôi chỉ là đội hạng nhì nhưng vẫn lọt vào top 6 MSI. Các bạn nên chuẩn bị đón nhận những bất ngờ khi VCS đến CKTG đi. GAM rất đáng sợ đó!”, Việt Nam đang trở lại đấu trường quốc tế một cách đầy mạnh mẽ. Có là đội hạng hai đi chăng nữa, SGB vẫn thể hiện một bộ mặt đầy tích cực, đập tan những nghi ngờ về sức mạnh của khu vực VCS. Và giờ đây, “bầy Trâu” sẽ chuẩn bị để tạo nên lịch sử tại vòng hỗn chiến MSI 2022.

XEM THÊM: Nhìn lại vòng bảng MSI 2022: Những dấu ấn đặc biệt