Ra đời từ năm 2009, LMHT dần trở thành tựa game có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cộng đồng thể thao điện tử trên toàn thế giới. Kỷ nguyên thống trị 5 năm của người Hàn được xác lập từ năm 2013 với ngôi vương thuộc về SKT T1 K. 5 năm thống trị tuyệt đối với lần lượt những cái tên SKT T1 hay Samsung Galaxy lần lượt có được ngôi vương. LCK cũng luôn là khu vực được đánh giá rất cao trên trường quốc tế.

LMHT
Credit: Riot Games

Dẫu vậy, năm 2018, với “phát súng” đầu tiên của Invictus Gaming tại CKTG 2018 đã mở ra một kỷ nguyên thống trị mới cho người Trung Quốc. Khu vực LPL liên tiếp có được thành tích ấn tượng trên trường quốc tế và trở thành cái tên đáng gờm nhất với khu vực LCK. Xét trong vòng 5 năm trở lại đây, thành tích của khu vực LPL trên trường quốc tế sẽ là:

  • MSI: 3 lần vô địch (2018, 2021, 2022)
  • CKTG: 3 lần vô địch (2018, 2019, 2021)

Trong khi đó, LCK chỉ có duy nhất ngôi vương của DWG KIA tại CKTG 2020 mà thôi. Vậy, kỷ nguyên của người Hàn đã thực sự chấm dứt? Hay phải chăng chất lượng tuyển thủ LCK không còn được như trước?

Quyết định mang tính “bước ngoặt” của LPL

Thời điểm trước năm 2018, khu vực Trung Quốc Đại Lục luôn bị coi là sân sau của LCK với lối đánh non nớt, kém đa dạng, thiếu kinh nghiệm và thành tích quốc tế nghèo nàn. Khi LPL xuất hiện trên bản đồ LMHT quốc tế, họ luôn để thua LCK ở bất cứ kèo đối đầu quan trọng nào.

Chiến thắng của EDG trước SKT tại MSI 2015 cũng chỉ được coi là một điểm sáng nhỏ của LPL trong kỷ nguyên thống trị của LCK mà thôi. Mãi cho đến năm 2018 với chiến thắng thuyết phục của RNG trước KZ tại MSI 2018 và ngôi vương CKTG của Invictus Gaming người hâm mộ LMHT trên toàn thế giới mới có một cái nhìn khác về khu vực này.

Sự phát triển vượt bậc của LPL trong dòng chảy của LMHT đến từ cách họ thay đổi từ tư duy chiến thuật cho tới lối chơi và cách vận hành đội tuyển. Và bước ngoặt quan trọng nhất cho bước tiến LPL chính là khu vực này đã “mở cửa” để chào đón các ngoại binh. Sự xuất hiện của những người chơi đến từ nhiều khu vực và đặc biệt là LCK đã giúp LPL đa dạng lối chơi và cải thiện chất lượng tuyển thủ, giải đấu hơn rất nhiều.

LPL
Credit: WBG

Trước đây, ONE Esports đã từng có bài viết nói về những cái tên ảnh hưởng nhất tới sự phát triển của LPL thời điểm hiện tại. Và 2/3 cái tên được nhắc tới trong bài viết đó chính là các ngoại binh SofM và TheShy. Nếu như SofM với lối chơi nhanh, gọn, táo bạo và khát máu đã khiến người chơi LMHT Trung Quốc ngỡ ngàng thì TheShy – Rookie đã cùng Invictus Gaming cho thấy sự thống trị tuyệt đối của lối chơi đè lane cực kỳ hung tợn.

Bởi vậy, lối chơi của SofM, TheShy, Rookie, Uzi… đã khiến tư duy chơi game của không chỉ người hâm mộ LPL thay đổi mà nó còn khiến cộng đồng LMHT trên toàn thế giới có cái nhìn khác về các kèo đấu mang nặng kỹ năng. Lối chơi kéo late, farm hòa của LCK cũng vì thế mà dần bị thay thế bởi khả năng macro, micro và giao tranh tổng.



Dấu ấn người Hàn tại đất nước tỷ dân

Kỷ nguyên thống trị của người Trung Quốc lại luôn bị gắn mác đi kèm với ngoại binh Hàn. Công thức mà cộng đồng LMHT cho là có thể giúp LPL thành công chính là 3 Trung + 2 Hàn. Điều này đã được lấy dẫn chứng qua ngôi vương CKTG của tất cả các đội LPL từng lên ngôi vô địch: Invictus Gaming (Theshy, Rookie), Funplus Phoenix (Gimgoon, DoinB) và EDward Gaming (Scout, Viper). Dẫu vậy, liệu LPL muốn có được thành công phải luôn có dấu ấn của người Hàn?

Câu trả lời là không.

Credit: Riot Games

Khi LPL “mở cửa” cho các ngoại binh, ngoại trừ mong muốn làm đa dạng hóa lối chơi cho các đội tuyển thì còn có mục đích nâng cao tính cạnh tranh và nâng tầm giải đấu. Ở thời điểm hiện tại, dù các tuyển thủ Hàn như DoinB, Rookie hay SofM vẫn là những người “cầm cân nảy mực” nhưng xét ở một góc độ rộng hơn thì các ngoại binh đã cùng các tuyển thủ Trung Quốc dung hòa và tạo ra một lối chơi riêng biệt mang đậm bản sắc LPL.

Các tuyển thủ người Hàn thi đấu tại LPL cũng không hoàn toàn có xuất phát điểm từ LCK. Đơn cử như TheShy có xuất phát điểm là streamer cho Team WE hay DoinB chưa từng thi đấu tại Hàn Quốc. Những cái tên như Rookie hay Scout tuy đã từng thi đấu tại LCK những không gặt hái được thành công và không để lại nhiều dấu ấn. Chỉ khi xuất hiện ở LPL với một thời gian dài thi đấu, làm quen và hòa mình vào bản sắc LPL, họ mới thực sự tỏa sáng và dần trở thành những trụ cột.

Credit: LPL

Dẫu vậy, thời gian gần đây, các ngoại binh dần không còn chỗ đứng tại LPL. Trận Chung kết LPL Mùa Xuân 2022 là ví dụ rõ ràng nhất. Khi người hâm mộ LPL một lần nữa được chứng kiến trở lại cuộc đua của chỉ người Trung Quốc (RNG đối đầu với TES không có ngoại binh) kể từ năm 2014. Được biết, RNG là đội tuyển chưa từng sử dụng ngoại binh và luôn ưu tiên tuyển thủ Trung Quốc. Và họ cũng là cái tên đầu tiên của LPL có được thành tích quốc tế.

Sự khác biệt giữa LCK và LPL

Hiện tại, LPL có đến 17 đội tuyển cùng cạnh tranh trong môi trường cực kỳ khốc liệt. Không sở hữu những cái tên sản sinh ra meta mới, cũng không có những đội tuyển bắt nhịp với meta quá nhanh nhưng LPL lại luôn có được những đội tuyển dám làm mới mình. Họ buộc phải học hỏi từ các khu vực khác – LCK, LEC hay LCS để có được bước tiền chắc chắn hơn, để tồn tại trong một môi trường khốc liệt hơn và hơn cả họ đang hoàn thiện hơn lối chơi của mình.

LCK luôn có những cái tên thống trị tuyệt đối (Credit: LCK)

Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của LCK và LPL – tính cạnh tranh. Nếu ngôi vương LPL hay ngôi vương CKTG của LPL luôn đổi chủ thì LCK luôn có những cái tên thống trị tuyệt đối qua nhiều mùa giải. Xét ở những giai đoạn trước đó, đây chính là sự đẳng cấp của một nhà vua. Nhưng ở thời điểm hiện tại nó có thể là sự kiêu ngạo, bảo thủ và không chịu làm mới mình.

LPL cũng luôn chú trọng trong công tác đào tạo trẻ và sẵn sàng chào đón những tuyển thủ ngoại quốc. Trong khi đó, LCK của đầu mùa giải 2022 cho thấy sự thiếu hụt nhân lực nặng nề khi những “lão tướng” dần lùi về phía sau sân đấu.

Hiện tại, trên bản đồ LMHT thế giới, khu vực LPL đang là cái tên cho thấy sự thống trị tuyệt đối. Có thể máy chủ Hàn Quốc luôn tập hợp những kẻ mạnh, có thể vị thế của người Hàn luôn được đánh giá cao… nhưng họ lại chưa thể tận dụng lợi thế của chính mình. Hơn cả, khu vực LPL cũng không còn là cái tên dễ bắt nạt như trước đây. Tại CKTG 2022 ở Bắc Mỹ, LPL chính thức có tới 4 suất tham dự. Liệu khu vực LPL có tiếp tục gặt hái được những thành công hay ngôi vương thế giới sẽ trở về với người Hàn?

Hãy cùng đón chờ những màn so găng tại LPL từ ngày 10/06 tới đây. Mọi thông tin chi tiết về LPL Mùa Hè 2022 được xem tại đây. Người hâm mộ theo dõi các trận đấu trên các trang YouTube và Twitch chính thức của LPL. Hãy cùng theo dõi và cổ vũ cho đội tuyển bạn yêu thích nhé!

XEM THÊM: ‘Thánh spoil’ Doinb bị nộp phạt gần 400 triệu vì liên tục tiết lộ thông tin giải trước thềm khởi tranh