Chức vô địch LCK mùa xuân 2022 cùng thành tích 20 trận toàn thắng là những minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của T1 ở thời điểm hiện tại.

Họ nghiễm nhiên đến với MSI với tư cách là đội tuyển được đánh giá cao nhất giải đấu. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thử thách không hề dễ dàng trên con đường chạm tới đỉnh cao của Faker cùng đồng đội.

Thay đổi về đường truyền mạng

Như chúng ta đã biết, đại diện của khu vực LPL sẽ không thể trực tiếp có mặt tại Busan, Hàn Quốc vì vấn đề dịch bệnh. Thay vào đó, họ sẽ tham dự giải đấu theo hình thức online với tốc độ đường truyền (ping) là khoảng 35ms. Để đảm bảo tính công bằng, các đội tuyển khác khi thi đấu offline sẽ sử dụng một phần mềm thay đổi ping thành 35ms, thay vì khoảng 7-8ms như thông thường. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đội tuyển?

Hiển nhiên, đội phải chịu những tác động bất lợi nhiều nhất chính là T1. Nên nhớ, họ luôn tập luyện, chơi xếp hạng đơn và thi đấu với ping 7-8ms, đồng nghĩa họ chưa bao giờ chơi với mức ping cao như vậy. 7ms so với 35ms có thể không quá lớn, nhưng cảm giác khi thực sự ở trong trò chơi sẽ rất khác biệt, và nó thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn đối với những tuyển thủ chuyên nghiệp bởi tốc độ xử lý của họ là rất nhanh.

Vấn đề nảy sinh đó là, liệu T1 có thể làm quen với mức ping này hay không? Họ chỉ có vài tuần, từ khi thông báo của Riot Games được đưa ra, đến thời điểm khai mạc MSI 2022 mà họ sẽ đánh trận mở màn. Đây là điều không hề đơn giản, và nó còn khó khăn hơn với những người dày dạn kinh nghiệm, đã chinh chiến nhiều năm như Faker. Chính anh cũng đã phàn nàn về vấn đề này trên stream cá nhân của mình. Những người có chuyên môn và hiểu Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc như LS – cựu HLV Cloud9, cũng có cùng quan điểm. Rõ ràng đây sẽ là một trong những thử thách khó khăn nhất trên con đường tìm lại ánh hào quang của T1.

Thực lực, kinh nghiệm

Vô địch LCK mùa xuân 2022, toàn thắng 20 trận và chỉ để thua có 8/42 ván đấu, đó là một thành tích tuyệt vời mà kể cả những anti fan khó tính nhất cũng phải thừa nhận. T1 hiện tại chắc chắn nằm trong top những đội hình mạnh nhất lịch sử giải đấu LCK. Dù vậy, có một điều không thể phủ nhận là họ đã có được “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa”.

Một cách trùng hợp, tất cả những đối thủ nặng ký nhất của T1 tại LCK mùa xuân 2022 đều có sự xáo trộn đội hình, và các tân binh của họ đều chưa thể hòa nhập tốt. DK – đội tuyển đã thống trị Hàn Quốc trong một năm rưỡi qua – thay tới 3/5 vị trí. ShowMaker, deokdam và Kellin không còn duy trì được phong độ, cả Hoya lẫn Burdol đều non nớt kinh nghiệm và thiếu ổn định. Chỉ một mình Canyon tỏa sáng là không đủ.

GenG thậm chí xáo trộn nhiều hơn với 4/5 vị trí, và họ còn thiếu may mắn khi liên tục mất các thành viên quan trọng vì COVID-19. Phong độ của các ngôi sao trong đội hình cũng không ở mức cao. Những Kwangdong Freecs, DragonX hay Nongshim Redforce thì còn bất ổn hơn. 

Trong khi đó, T1 lại giữ được nguyên bộ khung đã chơi ăn ý với nhau từ năm trước. Zeus trưởng thành một cách bất ngờ, phong độ của Oner, Gumayushi và Keria đều gần như chạm đỉnh, đặc biệt là Keria. Cộng thêm metagame chủ yếu đánh xoay quanh đường dưới, T1 như “cá gặp nước” và hủy diệt cả giải đấu.

T1
Credit: Inven

Tuy nhiên, MSI là một câu chuyện khác. Đây mới là giải đấu quốc tế thứ hai của Gumayushi, Oner, và đầu tiên của Zeus. Áp lực ở đây sẽ rất khác so với LCK, vì vậy không có gì đảm bảo phong độ của những tuyển thủ còn rất trẻ có thể được duy trì. Đã có không ít trường hợp trong quá khứ chứng minh luận điểm này. 

Thích ứng với metagame cũng là một vấn đề, đặc biệt với các tuyển thủ trẻ. Khoảng thời gian từ trận chung kết LCK mùa xuân đến trận khai mạc MSI là hơn 1 tháng. Phiên bản thi đấu cũng là 12.8 chứ không còn là 12.5, đồng nghĩa những thay đổi là rất đáng kể. Kinh nghiệm chưa nhiều của những Zeus, Gumayushi hay Oner có thể trở thành vật cản trong việc duy trì phong độ ấn tượng của họ ở một phiên bản mới.

Ẩn số từ các đối thủ của T1

Cuối cùng, không thể không nhắc đến những chướng ngại vật trực tiếp của T1 tại giải đấu, đặc biệt là đại diện của khu vực LPL và LEC, những đối thủ đã đánh bại Faker cùng đồng đội không ít lần trong quá khứ.

Kể từ sau chiến tích lẫy lừng của G2 Esports năm 2019, khu vực LEC đã không còn duy trì được vị thế của mình, nhưng sẽ là một sai lầm nếu đánh giá thấp sức mạnh của họ. G2 phiên bản 2022 có kinh nghiệm, sức trẻ và cả sự tinh quái trong lối chơi của mình. Jankos đang hồi xuân đầy mạnh mẽ, còn Caps dần tìm lại phong độ đỉnh cao của mình ở vòng playoffs LEC mùa xuân vừa qua. Họ hứa hẹn sẽ là đối thủ khó nhằn của T1, đặc biệt nếu xét cả sự “kị dơ” nữa.



Đối thủ lớn nhất của T1 tại giải đấu chắc chắn phải là Royal Never Give Up. Sự áp đảo tuyệt đối của T1 tại LCK cũng như phong độ bất ổn mà RNG thể hiện ở LPL có thể khiến nhiều người quên rằng, các đại diện Trung Quốc đã vô địch 3/4 giải đấu quốc tế gần nhất. Bản thân RNG cũng là nhà đương kim vô địch MSI, và họ vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn bộ khung năm trước. Thậm chí năm nay điểm yếu tại đường giữa đã không còn khi Xiaohu trở lại, và Bin gia nhập.

RNG còn có lợi khi được thi đấu tại khu vực của mình, đồng nghĩa họ không phải đối mặt với những khó khăn về khí hậu, chỗ ở và ăn uống như các đội khác. Mức ping 35 cũng là một ưu thế lớn, bởi đây là tốc độ đường truyền mà họ đã quá quen khi chơi xếp hạng đơn máy chủ Hàn Quốc. Các chuyên gia vẫn cho rằng T1 là đội nhỉnh hơn hiện tại, nhưng sẽ rất sai lầm nếu không đánh giá đúng thực lực và kinh nghiệm của Xiaohu cùng đồng đội.

Con đường đến đỉnh vinh quang luôn đầy rẫy những chông gai, nhưng cũng chính là thời cơ để rèn luyện và trở thành phiên bản tốt nhất của mình. T1 nói chung và Faker nói riêng đã thèm khát một danh hiệu quốc tế quá lâu, khi chức vô địch gần nhất của họ đã cách đây 5 năm. MSI 2022 chắc chắn là một giải đấu mà T1 không muốn mắc bất cứ một sai lầm nào, bởi đây là cơ hội tuyệt vời để họ tìm lại ngai vàng thuộc về mình.

MSI 2022 chính thức khởi tranh tại Busan, Hàn Quốc từ ngày 10/5.

XEM THÊM: Tạm hoãn bản cập nhật 2.7, Hoyoverse chơi lớn tặng người chơi Genshin Impact 400 nguyên thạch mỗi tuần