Ra đời từ năm 2009, LMHT dần trở thành tựa game có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cộng đồng thể thao điện tử trên toàn thế giới. Kỷ nguyên thống trị 5 năm của người Hàn được xác lập từ năm 2013 với ngôi vương thuộc về SKT T1 K. Trong cuộc hành trình mang lại ánh hào quang đầu tiên cho LMHT Hàn Quốc đó, một cái tên đã dần trở thành tượng đài của không chỉ người hâm mộ LMHT mà còn là tượng đài bất tử trong lòng người hâm mộ thể thao điện tử trên toàn thế giới – Lee “Faker” Sanghyeok.

Được ví như Michael Jordan của LMHT sau cuộc hành trình vĩ đại của mình, cái tên Faker thường gắn với những mỹ từ như Quỷ Vương, Huyền thoại sống… để gọi tên. Riêng Thorin đã từng nói rằng: “Trước khi Faker đến và cho thấy sự thống trị tuyệt đối của mình thì LMHT giống như một ngôi đền đầy ắp những vị thần. Chẳng hạn như MadLife đã tạo ra ma thuật từ vị trí luôn bị coi là yếu nhất trên bản đồ hay Froggen luôn được ngợi ca với những màn trình diễn không tưởng ở đường giữa, Diamondprox mỗi ngày lại đem ra một vị tướng mới, còn TheShy mỏi mòn chờ đợi một đối thủ xứng tầm ở đường trên…”

Faker
Credit: LCK

Quả thực, Lee Sanghyeok cùng với ngọn lửa khao khát chiến đấu chưa từng nguôi lạnh đã tạo ra một quy chuẩn hoàn hảo mang tên Faker – một tượng đài bất tử đối với bất cứ người yêu LMHT nào. Mùa giải 2022, người hâm mộ đang chứng kiến sự trở lại đầy mạnh mẽ cùng khát khao thắng lợi của “lão tướng” này sau tròn 9 năm chinh chiến. Chín năm ròng rã, Faker cùng bộ đồng phục với biểu tượng quen thuộc vẫn không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng để viết tiếp nên những giấc mơ, hoài bão mà cậu trai sinh năm 1996 này hằng mong ước.

“Viên gạch” đầu tiên trong kỷ nguyên thống trị của Faker

Trước khi được biết tới với cái tên Faker, Quỷ Vương được biết đến với cái tên GoJeonPa tại rank Thách Đấu Hàn. Tài khoản này đã nổi lên như một hiện tượng với một mức elo rất cao, thậm chí còn cao hơn các tuyển thủ chuyên nghiệp tại thời điểm bấy giờ. Với thành tích ấn tượng tại máy chủ Hàn Quốc, Faker được Darkness – Tổng giám đốc của nhà tài trợ SK Telecom chiêu mộ và tính đến thời điểm hiện tại, Faker đã gắn bó với SKT tròn 9 năm. Trong lần đầu ra mắt đấu trường chuyên nghiệp, chàng trai sinh năm 1996 đã khiến người hâm mộ bùng nổ khi solo kill thành công Ambition.

Được biết, tại thời điểm 2013, Ambition là người chơi đường giữa tốt nhất Hàn Quốc, thậm chí, tốt nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ. Faker với vị tướng Nidalee đã “mở bát” cho chuỗi kỷ lục về số mạng hạ gục của mình bằng một trong những pha solokill đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mình. Những pha thi đấu biến ảo cùng khả năng xử lý tuyệt vời, phản xạ nhạy bén và bể tướng vô cùng rộng đã dần giúp Faker khẳng định vị thế của mình.

Chưa dừng lại tại đó, tại đêm chung kết OGN Summer 2013, Faker đã tạo nên pha thi đấu làm chấn động làng LMHT cũng như game thủ trên toàn thế giới, giúp Faker từ vị thế từ một người chơi đường giữa tài năng cho đến một hiện tượng toàn cầu. Đó chính là khoảnh khắc Quỷ Vương cầm Zed đối đầu với Zed của Ryu. Kể từ thời điểm đó, triều đại của Quỷ Vương Bất Tử chính thức được đặt những viên gạch đầu tiên.

Từ khi bắt đầu sự nghiệp đến nay, Faker đã mang ra đường giữa tới 72 vị tướng, con số nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào của anh tại LCK. Tuy nhiên, khoảnh khắc cầm Zed khiến Ryu phải “ét-o-ét” vẫn mãi là màn so tài mang tính biểu tượng không chỉ của cá nhân Faker mà còn của cả bộ môn LMHT.



Những nốt trầm trong sự nghiệp thi đấu huy hoàng

Cũng chính tại năm đầu tiên ra mắt đấu trường LMHT chuyên nghiệp, Faker đa cùng SKT T1 K xác lập kỷ nguyên thống trị cho LMHT Hàn Quốc nói chung và SKT nói riêng với ngôi vương CKTG năm đó. Đồng hành cùng một đội tuyển duy nhất kể từ khi ra mắt – SKT T1 – Faker đã có tổng cộng 5 chức vô địch cấp quốc tế, bao gồm 3 chức vô địch CKTG vào 2013, 2015, 2016 và 2 chức vô địch MSI vào 2016 và 2017. Ngoài ra, anh cũng cùng T1 có được 9 danh hiệu quốc nội tại LCK.

Faker chính là cái tên có bề dày thành tích nhất tại đấu trường LMHT chuyên nghiệp (Credit: LCK)

Tuy nhiên, trong sự nghiệp thi đấu huy hoàng đó của Faker, anh cũng đã phải kinh qua những nốt trầm trong sự nghiệp chính mình. Năm 2014, có một cái tên xuất hiện và được mệnh danh là God Slayer – PawN. Đối thủ truyền kiếp của Faker đã khiến anh nhiều lần phải nhận cay đắng khi không chỉ trực tiếp tước đi quyền tiến tới CKTG 2014 mà còn thành công đánh bại T1 trong kèo đối đâu định mệnh tại Chung kết MSI 2015. Cũng trong trận thua tại MSI năm đó, Faker đã có trận thua đầu tiên khi sử dụng vị tướng LeBlanc tại đấu trường chuyên nghiệp.

Trở lại mạnh mẽ cùng SKT trong 2 mùa giải 2015-2016, những tưởng thời kỳ đỉnh cao của SKT sẽ giúp họ tiếp tục có được sự thống trị tại CKTG 2017. Nhưng không, Faker đã gục ngã trước Samsung Galaxy và không thể thành công viết nên câu chuyện cổ tích về 3 ngôi vương CKTG liên tiếp. Giọt nước mắt Quỷ Vương năm đó đã khiến trái tim của biết bao nhiêu người hâm mộ phải đau lòng.

Screenshot by ONE Esports

Thất bại đáng tiếc năm 2017 đó chỉ là khởi đầu cho mùa giải tồi tệ nhất của SKT T1. Giai đoạn 2018 – 2020 chính là giai đoạn “trầm” nhất của SKT. Họ để mất tấm vé thi đấu ở 2 giải đấu quốc tế năm 2018, sau đó đổi tên từ SKT T1 thành T1 với mong muốn đổi vận. Tuy nhiên, sự kháng cự năm 2019 chỉ giúp họ có được vị trí Á Quân MSI 2019 và vị trí 3 – 4 tại CKTG năm đó. Tiến tới năm 2020, T1 lại tiếp tục phải ngồi nhà xem CKTG sau khi để thua AF tại Playoffs.

Giai đoạn thi đấu bết bát đó, không ít người đã đặt nghi vấn cho sự tụt dốc phong độ và khả năng giải nghệ của Faker. Bởi không chỉ ở đấu trường quốc tế, giải đấu quốc nội, SKT cũng không có được sự thăng hoa, thống trị như người hâm mộ hằng mong ước.

Sự trở lại mạnh mẽ cùng khát khao thắng lợi của “lão tướng” Faker

Trong hệ sinh thái thể thao điện tử của Hàn Quốc, có rất nhiều những cái tên đã chinh phục đỉnh vinh quang rồi nhanh chóng lụi tàn vì thất bại. Trong những huyền thoại mà làng thể thao điện tử sản sinh ra, chỉ có Faker trở thành tượng đài bất tử. Tại sao lại vậy?

Thất bại trong việc giành vé đến CKTG 2014 cùng trận thua tiếc nuối tại Chung kết MSI 2015 và hàng loạt những nốt trầm trong sự nghiệp Faker đã khiến anh cùng đồng đội phải trải qua rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, sau những giai đoạn khó khăn đó, Quỷ Vương đã trở lại mạnh mẽ và khẳng định được tầm ảnh hưởng cùng những dấu ấn cá nhân mang tên Faker.

Còn nhớ, tại mùa giải 2015, sự xuất hiện của những tân binh đã khoác lên mình SKT một “bộ cánh” mới. Và trên con đường kiếm tìm ánh hào quang đã mất, Quỷ Vương cùng những đồng đội của mình đã cho thấy sự hủy diệt cùng sự độc tôn của mình khi thâu tóm cả 2 chức vô địch quốc nội liên tiếp tại Mùa Xuân và Mùa Hè. Ở thời điểm đó, chỉ có GE Tigers là kẻ duy nhất được đánh giá xứng tầm mới một SKT đang khát khao có được thắng lợi. Tuy nhiên, khát khao mãnh liệt đã giúp SKT thành công trở lại ngôi vương thế giới.

Credit: Riot Games

Mùa giải 2016 sau đó, Faker và cùng Duke, Bengi, Bang và Wolf đã trở thành những người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại bảo vệ được chức vô địch CKTG 2 năm liên tiếp. Và thành tích này đã giúp Faker và Bengi trở thành 2 tuyển thủ duy nhất có được 3 chức vô địch CKTG.

Năm 2021 chính là dấu mốc T1 buộc phải vươn lên để khẳng định bản thân sau 3 mùa giải không mấy khả quan. Và họ đã làm được khi có một năm đầy sóng gió nhưng thành công. Tập thể T1 đã nổ lực để có được Á Quân LCK Mùa Hè 2021 và tiến sâu tới Bán Kết CKTG 2021. Họ có một trận Bán kết đỉnh cao với DK với những dấu ấn về cả chất lượng chuyên môn lẫn lượt view trên toàn thế giới. Họ khai phá được những tài năng và đặt tiền đề cho sự phát triển ở thời điểm hiện tại. Năm 2021 ấy, dù đầy sóng gió nhưng vô cùng thành công với T1.

Sụ tiếc nuối và nụ cười buồn chua chát của Faker khi kết thúc kỳ CKTG 2021 (Credit: Riot Games)

Bước sang năm 2022, quả thực, người hâm mộ đã được chứng kiến một màn “lột xác” hoàn hảo của T1. Một đội hình với 4 cái tên trẻ tuổi và 1 lão tướng đã thành công đi vào lịch sử LMHT Hàn Quốc với chuỗi 18 trận toàn thắng giai đoạn vòng bảng. Không chỉ dừng lại ở đó, phong độ cực bay cùng khả năng micro, macro, ban/pick… đỉnh cao đã khiến người hâm mộ tin rằng Faker hoàn toàn có thể nghĩ đến ngôi vương thế giới thứ 4 trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Đã 9 năm trôi qua, LMHT đã có rất nhiều thay đổi nhưng có một điều vẫn mãi nguyên ở đó – Faker. Những cống hiến không ngừng nghỉ của chàng trai sinh năm 1996 này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người yêu thể thao điện tử trên toàn thế giới. Không thể biết rằng, ngày Faker tạm biệt đấu trường chuyên nghiệp sẽ ra sao. Chỉ biết rằng ở thời điểm hiện tại, Faker vẫn đang nỗ lực hết mình cho những khát khao cháy bỏng mà chàng thiếu niên này đã ấp ủ.

XEM THÊM: Faker ‘biến ảo’ với con bài tủ Leblanc: Nhà ảo thuật đằng sau bàn phím và chuỗi bất bại 17